Để bảo vệ tài sản, tính mạng con người và đảm bảo hiệu suất làm việc thì mọi nhà xưởng đều cần tuân thủ các quy tắc về an toàn điện công nghiệp. Bài viết sau đây sẽ chỉ ra những quy tắc về an toàn điện công nghiệp năm 2020. Tìm hiểu ngay
1. Những quy định về an toàn điện công nghiệp
Các doanh nghiệp, công nhân, nhân viên cần tuân thủ những quy tắc sau.
1.1. An toàn điện đối với công nhân, nhân viên nhà xưởng
- Không được tự tiện ấn nút hoặc đóng ngắt cầu dao, aptomat nếu đó không phải là chức trách của mình. Các thiết bị cần đặc biệt chú ý là các máy bơm, máy nén, quạt gió,…
- Khi không sử dụng, công nhân phải ngắt khỏi nguồn điện các thiết bị, dụng cụ điện để tránh xảy ra sự cố.
- Sau khi một mạch điện bị ngắt bởi một thiết bị bảo vệ (aptomat, cầu chì,…) không được đóng mạch điện lại cho đến khi có quyết định của người chịu trách nhiệm về điện đảm bảo rằng thiết bị đã an toàn để đóng điện lại.
- Khi phát hiện thấy điều bất thường (mùi khét, khói,…) phải lập tức báo để người vận hành ngừng ngay thiết bị.
- Công nhân không được tự ý đi vào vùng nguy hiểm của thiết bị điện hoặc đường dây dẫn điện, đặc biệt không tự ý đấu nối, thay đổi hệ thống điện.
Xem thêm: Điện công nghiệp có nguy hiểm hay không?
1.2. An toàn điện đối với chủ xưởng, chủ doanh nghiệp
- Khi cần bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo, lắp đặt các thiết bị điện, chủ xưởng phải tìm những kỹ thuật viên chuyên nghiệp, có chuyên môn về điện và đã qua huấn luyện an toàn điện.
- Phải bố trí bảng cảnh báo nguy hiểm ở nơi dễ nhìn, thu hút sự chú ý tại vị trí có dòng điện cao thế.
- Ít nhất 2 lần/năm đo kiểm tra điện trở tiếp đất của thiết bị, nếu số đo lớn hơn 2W thì phải xử lý để đạt giá trị bé hơn 2W.
- Không bố trí các thiết bị điện ở nơi ẩm ướt, có khả năng dẫn điện hoặc trên bề mặt dễ trượt ngã, sập đổ.
1.3. An toàn điện đối với các kỹ thuật viên điện công nghiệp
- Phải ngắt thiết bị ra khỏi nguồn điện và nối đất thiết bị trước khi bảo dưỡng, sửa chữa.
- Khi đóng/cắt thiết bị điện cần có “phiếu thao tác/quy trình làm việc” và phải có 2 người tham gia để tránh nhầm lẫn.
- Khi bảo dưỡng, sửa chữa điện ít nhất phải có 2 người tham gia, thực hiện các bước cô lập điện, treo biển cảnh báo cấm đóng điện tại cầu giao nguồn trong suốt quá trình làm việc.
- Các kỹ thuật viên phải có quy trình làm việc và tuyệt đối tuân theo giấy phép làm việc. Sau khi kết thúc công việc, kỹ thuật viên phải nghiệm thu, trả giấy phép và thông báo để người vận hành đưa thiết bị vào hoạt động.
- Nếu cần chiếu sáng cục bộ khi sửa chữa, phải dùng đèn di động cầm tay 36V.
- Phải sử dụng dây an toàn khi làm việc trên cao.
- Khi ngắt 1 cầu chì, cầu dao, công tắc, mối nối điện, tại vị trí cô lập phải treo biển thông báo hoặc khóa cách ly.
- Khi đi vào vùng nguy hiểm về điện, kỹ thuật viên phải mang quần áo khô, đi giày cách điện và đội mũ.
- Tháo đồ kim loại trên người, đeo găng, mang ủng cách điện, dụng cụ cách điện phù hợp khi làm việc với thiết bị đang mang điện.
- Không được dùng các loại thang có khả năng dẫn điện, đặc biệt làm thang kim loại khi làm việc trên hoặc gần các thiết bị điện.
2. Các biện pháp hạn chế tai nạn điện công nghiệp
Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc trong quá trình lắp đặt và sử dụng điện công nghiệp, bản thân người lao động và doanh nghiệp cần áp dụng một số biện pháp như sau:
2.1. Các biện pháp cá nhân giúp đảm bảo an toàn điện công nghiệp
Mỗi cá nhân trong quá trình làm việc hay sửa chữa, bảo trì, lắp đặt hệ thống điện cũng cần có ý thức tự đảm bảo an toàn cho chính mình. Hãy áp dụng các biện pháp sau:
- Sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân, các dụng cụ an toàn, đồ bảo hộ như kính mắt, găng tay cách điện, mặt nạ, ủng cách điện, dây đai an toàn,…
- Sử dụng những dụng cụ sửa chữa có khả năng cách điện. Ví dụ: sào cách điện, kìm cách điện, bút thử điện có cán cách điện,…
- Đảm bảo chất lượng các dụng cụ sử dụng, đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật và không được sử dụng quá cấp điện áp cho phép của dụng cụ.
- Bảo quản dụng cụ đúng cách sau khi sử dụng ở nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh chỗ có xăng dầu, tránh bị cọ xát bề mặt để giảm nguy cơ cháy nổ, hỏng hóc.
2.2. Các biện pháp kỹ thuật giúp đảm bảo an toàn điện công nghiệp
Ngoài các biện pháp bảo vệ cá nhân, kỹ thuật viên cũng cần nắm rõ các biện pháp về kỹ thuật sau đây.
- Bọc kín bằng vật liệu cách điện những chỗ hay va chạm, những chỗ bị hở để ngăn chặn điện tiếp xúc với cơ thể, tránh các sự cố nguy hiểm
- Phải nối dây tiếp đất, vỏ thiết bị khi lắp đặt hoặc sửa chữa để nếu có rò rỉ điện xảy ra, điện được truyền xuống đất sẽ giảm thiểu tối đa rủi ro cho kỹ sư điện.
- Ngắt điện ngay khi phát hiện có dòng điện rò rỉ ra vỏ thiết bị hoặc dây điện bị hở, hư hỏng đấu nối.
- Treo biển báo hoặc dựng rào chắn ở những nơi nguy hiểm về điện, cảnh báo cho người lao động tránh xa các khu vực này.
- Giữ khoảng cách an toàn với các thiết bị điện: từ 2 – 15kV: 0.7m; từ 15 – 35kV: 1.1m; 35 – 110kV: 1.4m;…
- Sử dụng thiết bị điện áp thấp: đèn xách tay, đèn chiếu sáng 36V nếu cần chiếu sáng khi sửa chữa, bảo trì.
- Phải kiểm tra lớp cách điện hàng năm bằng đồng hồ MW để nhanh chóng phát hiện sự cố, sửa chữa kịp thời đảm bảo an toàn cho nhà xưởng, công nhân cũng như giảm sự tổn thất điện áp.
3. Cách xử lý nếu xảy ra tai nạn điện công nghiệp
Dù đã tuân thủ tất cả các biện pháp về an toàn điện công nghiệp nhưng chúng ta cũng không thể đảm bảo 100% sẽ không xảy ra các sự cố, tai nạn đáng tiếc. Khi xảy ra điện giật, người có mặt cần hết sức bình tĩnh thực hiện tuần tự theo các bước sau:
- Ngắt nguồn điện tại khu vực xảy ra tai nạn. Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất để cứu nạn nhân đang bị điện giật. Nhất là đối với những thiết bị có điện áp cao, người có mặt nhất định phải ngắt cầu dao trước rồi mới tiến hành các bước sau.
- Tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Nạn nhân bị điện giật bởi các dòng điện lớn sẽ không có khả năng tự tách khỏi nguồn điện. Vì vậy, những người có mặt ở khu vực xảy ra tai nạn cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi chỗ tiếp xúc với điện bằng các biện pháp an toàn (găng tay cách điện, sào cách điện, ủng cách điện,…).
- Tiến hành sơ cứu nạn nhân bị tai nạn điện. Sơ cứu ngay lập tức để hạn chế tối đa nguy cơ ảnh hưởng đến sự sống. Việc sơ cứu càng nhanh chóng, chính xác thì cơ hội sống của nạn nhân càng cao. Người tiến hành sơ cứu cần đặt nạn nhân ở nơi thoáng khí, nới rộng trang phục và kê cao đầu nạn nhân. Chú ý giữ ấm cơ thể cho nạn nhân, nếu nạn nhân ngừng thở, tim ngừng đập thì phải tiến hành hô hấp nhân tạo, nhấn tim.
- Đưa tới các cơ sở y tế sau khi sơ cứu (nếu cần). Sau khi tiến hành sơ cứu, nếu dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân vẫn chưa rõ ràng hoặc không có, người xung quanh cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Những quy định về an toàn điện công nghiệp thường rất khắt khe và phức tạp. Nhưng đây đều là những điều cần thiết mà các kỹ thuật viên, doanh nghiệp phải tuân thủ nhằm bảo vệ tính mạng của bản thân, của mọi người và tài sản của nhà xưởng.